Chuyên gia giáo dục Tam Xuyên Linh (Trung Quốc) đã rút ra 5 “nguyên tắc của cuộc sống” sau khi quan sát bạn bè sau 20 năm từ những buổi họp lớp.
Gần đây tôi khá hào hứng khi tham gia các buổi họp mặt bạn cũ. Trong đó, tôi có thể quan sát những người bạn cùng mình trưởng thành. Chúng tôi đã đạt được thành tựu gì trong cuộc sống hiện tại? Điều gì khiến nhiều người thành đạt, người khác lại trì trệ? Tôi muốn kể về một số bạn học đang sống tốt hoặc không tốt để đưa ra vài quy tắc rất thực tế.
Bạn A là lớp trưởng, một người luôn nghiêm khắc với bản thân. Vì một số nguyên nhân nên dù học hành chăm chỉ nhưng A chỉ đỗ vào một trường đại học trung bình. Hơn 20 năm không có tin tức, tôi nhận ra cậu ta qua một bài báo, khi đó A đang là giám đốc điều hành cấp cao của một công ty xuyên quốc gia.
Bạn B là một cô gái có học lực trung bình, sau này cũng đỗ vào một trường đại học tầm trung. Sau khi tốt nghiệp vì thất tình nên cô đăng ký học chứng chỉ kế toán và tiếng Anh để giết thời gian. Tuy sau này không ra nước ngoài du học như dự định ban đầu nhưng B đã trở thành giám đốc tài chính của một công ty lọt danh sách Fortune 500.
Bạn C học trung bình mọi môn, trừ Ngữ Văn nhưng cũng đỗ được đại học. Sau này ra trường C trở thành nhà văn tự do, chuyên viết truyện online, mỗi năm thu nhập 500.000 tệ (1,8 tỷ đồng đồng). Sau này C cũng trở thành phó giám đốc một doanh nghiệp liên quan tới phát hành sách được định giá vài tỷ tệ.
Những người bạn tôi kể trên không ai đặc biệt xuất sắc, họ chỉ là những người bình thường, nhưng họ sống tốt, khiến nhiều người ngưỡng mộ. Từ những người bạn thành công này, tôi nhìn ra được một vài quy tắc của cuộc sống.
Quy tắc 1: Điểm xuất phát không quyết định tất cả
Người học trường mẫu giáo danh tiếng chưa chắc đã học tiểu học tốt, học trường chuyên chưa chắc học giỏi ở đại học.
Lớp chúng tôi năm đó có 40 người nhưng chỉ có 30 người đỗ đại học, số trượt có thể học trung cấp hoặc học nghề. Giữa chúng tôi lúc đó có xuất phát điểm rất khác nhau. Nhưng ở tuổi 40 tuổi, tôi thấy rằng sự chênh lệch số phận không lớn. Ít nhất, không lớn bằng sự chênh lệch điểm số của kỳ thi đại học năm xưa. Giống như khi ta nuôi dạy một đứa trẻ, người lớn có thể nhớ chính xác chiều cao và cân nặng của chúng hàng tháng vào thời điểm ban đầu và có sự cạnh tranh dữ dội với những đứa trẻ khác. Nhưng khi đứa trẻ đã vào tuổi vị thành niên, cha mẹ nghĩ những điều này không quan trọng và không còn quan tâm đến nó.
Khi tuyến thời gian của chúng ta càng kéo dài, những thành tích tạm thời đã không còn là cơ sở để xác định đích đến cuối cùng của một người.
Quy tắc 2: Yếu tố quyết định thành bại không nằm ở các môn học được kiểm tra
Trí thông minh nhân tạo mang tên AlphaGo của Google sau nhiều lần đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới Kha Khiết người Trung Quốc đã khiến nhiều người giật mình nhận ra rằng: “Những năng lực có thể thay thế bằng máy móc hay trí tuệ nhân tạo đều là những năng lực không đáng để rèn luyện”. Những kỳ thi, những bài kiểm tra trên trường lớp hiện nay khiến học sinh tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực đa phần chỉ dùng đánh giá khả năng nắm vững kiến thức mà không phải để nâng cao năng lực thực sự.
Người Mỹ từng thống kê mức lương hàng năm của những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Những trường giữ vị trí top luôn là các trường chuyên công nghệ như Viện công nghệ Massachusetts, Viện công nghệ California, Học viện Công nghệ Georgia… Các trường mang tính tổng hợp như Harvard, Yale, Princeton University… đều không nằm trong số này. Nhưng khi so sánh tình hình lương 15 năm sau, những trường đại học đào tạo tốt về giáo dục phổ thông như Harvard và Princeton đã chen chân vào top 10, vượt qua các trường đại học tập trung vào kỹ thuật và kinh doanh. Nguyên nhân là do những trường này dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Những hoạt động tưởng chừng không liên quan này đã trau dồi những phẩm chất nổi bật khác nhau của sinh viên như tinh thần chiến đấu, làm việc nhóm, kỹ năng xã hội, diễn đạt….
Đây là mục đích và lợi ích của giáo dục phổ thông – cho phép học sinh hiểu thế giới, có khả năng đương đầu với cuộc sống phức tạp và sự tự tin để nhận ra giá trị của bản thân. Chính điều này đã mang lại sức chịu đựng lâu dài cho sự phát triển và hoạt động cá nhân.
Xem thêm: Những điều quan trọng nhất của cuộc sống
Quy tắc 3: Thành công không có ý nghĩa tuyệt đối
Sau 20 năm tốt nghiệp, bạn sẽ thấy những người bạn năm xưa mình ghét cay ghét đắng không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Những người từng được tôn thờ, thần tượng cũng chỉ có cuộc sống tương tự như bạn mà thôi. Bạn sẽ thấy rằng, thành công không mang tính tuyệt đối nên không cần hâm mộ hay khinh thường bất cứ ai. Chỉ cần tập trung sống cuộc đời của mình thì sẽ có được thành công theo hệ quy chiếu của riêng mình.
Những người vượt qua người khác trên đường đời không phải vì anh ta muốn vượt qua bạn, mà vì anh ta quyết định đi đến nơi xa nhất. Nếu bạn không có một trái tim mạnh mẽ và vẫn tin rằng “kẻ mạnh mới là kẻ chiến thắng” và phải nắm chắc các nguồn tài nguyên giáo dục tốt nhất thì mới thành công thì con bạn nhiều khả năng sẽ có cuộc sống thất bại.
Quy tắc 4: Mối quan hệ gia đình êm ấm là cách giáo dục tốt nhất
Trong số các bạn cùng lớp, một số người có cuộc sống khá tệ. Đó là những bạn lớn lên trong một gia đình bố mẹ không hạnh phúc. Khi những người này trưởng thành, họ đều mang kiểu sống này áp dụng cho gia đình mới của mình, thậm chí có người không kết hôn hoặc không sinh con. Một số bạn chọn làm bà mẹ đơn thân, luôn gieo rắc vào đầu con về “thiếu lòng tin vào đàn ông” khiến không chỉ người bạn đó mà những đứa trẻ cũng nhìn đời đầy đen tối. Khi đời sống tinh thần, tình cảm không trọn vẹn thì sự nghiệp có thành công đến mấy cũng khó mà hạnh phúc.
Vì vậy điều quan trọng hơn việc tìm lớp ngoại khóa, học thêm cho con là phải xây dựng được mối quan hệ gia đình tốt giữa cha mẹ và con cái. Mối quan hệ chặt chẽ và tích cực là cách đầu tư giáo dục tốt nhất cho trẻ.
Xem thêm: Làm thế nào để sống tích cực hơn?
Quy tắc 5: Đời người như cuộc đua marathon, sức dai sẽ đến đích
Cuộc đời là một cuộc đua marathon, lúc xuất phát thường rất đông, nhưng sau 1/4 chặng, khoảng cách giữa các vận động viên được nới rộng ra, lợi thế xuất phát ban đầu không còn tác dụng.
Nhiều cha mẹ nói rằng không để con mình thua ở vạch xuất phát, vì vậy họ cố gắng giành lấy một chỗ ở vạch xuất phát cho con càng sớm càng tốt. Nhưng thực tế, con đường đến thành công không đông đúc như tưởng tượng, bởi cuộc đua marathon của cuộc đời còn dài. Trên đường hầu hết mọi người đều chủ động rút lui sau khi chạy chưa được một nửa chặng. Số ít còn lại không phải sợ còn quá nhiều đối thủ mà chỉ lo làm sao tìm được người đồng hành cùng mình. Do đó giáo dục là việc của cả đời. Người về đích cuối cùng chính là người dai sức nhất.
Nhìn lại lớp mình, tôi thấy có rất nhiều bạn từng cạnh tranh gay gắt với nhau từ cấp 2 cho khi lên đến đại học. Nhiều người cũng có bằng tiến sĩ nhưng họ không tiếp tục học những điều mới sau đó. Một số người từng giỏi hơn chúng tôi ở trường và có vị trí xuất phát tốt hơn đã từ bỏ cuộc đua marathon của cuộc đời. Chúng tôi có thể chạy xa hơn chỉ vì vẫn đang chạy, thế thôi.